10 món đặc sản ngon nổi tiếng của tỉnh Lào Cai
Du khách đến du lịch vùng núi Lào Cai với phong cảnh hùng vĩ và trữ tình hẳn không thể quên miền đất này còn là một vùng văn hóa ẩm thực với nhiều món đặc sản độc đáo nức tiếng gần xa.
Lào Cai là một tỉnh vùng cao biên giới thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam. Với 25 dân tộc cùng sinh sống, Lào Cai trở thành mảnh đất phong phú về bản sắc văn hóa, về truyền thống lịch sử, di sản văn hóa.
1. Mận Bắc Hà
Ở các tỉnh thuộc biên giới phía Bắc nước ta, đâu cũng thấy cây mận, mận Lào Cai, Lạng Sơn có màu hồng đỏ, mận Bắc Hà có vỏ màu xanh, mỗi loại mận đều có hương vị riêng và sắc màu khác nhau, song giống mận ngon nhất, đẹp mã nhất vẫn là giống mận trồng ở đất Bắc Hà.
2. Nấm chân chim
Nấm còn gọi là nấm phiến chẻ – là một sản phẩm độc đáo chỉ có ở Bắc Hà (Lào Cai), không những có giá trị dinh dưỡng cao mà còn là một loại dược liệu quý. Vị ngọt của nấm khiến người ăn khó quên được hương vị của vùng cao này.
3. Lợn cắp nách
Lợn “cắp nách” được ra đời từ thói quen chăn nuôi lạc hậu của bà con các dân tộc vùng cao như: Dao, Thái, Mông… Đây thực chất là giống lợn đặc trưng truyền thống chuyên thả rông chẳng phải nuôi dưỡng của đồng bào. Muốn có một đàn lợn “cắp nách” thì chỉ cần mua một đôi, gồm một con đực và một con cái, sau đó thả chúng vào khu rừng gần nhà mình. Đôi lợn đó sẽ luôn đi bên nhau, làm ổ trong rừng, tự kiếm ăn. Đến mùa sinh sản thì chúng giao phối và đẻ ra cả đàn lợn hàng chục con chỉ to hơn ngón chân cái.
4. Hạt dẻ nướng
Vào buổi tối, du khách còn được thoải mái thưởng thức các món ăn đặc sản Lào Cai thơm nức mũi từ ngô, khoai, hạt dẻ đến cá suối, lại cả trứng gà nướng.
Khi màn đêm buông xuống trong cái lạnh của phố núi còn gì thi vị hơn lúc được ngồi bên bếp lửa rực hồng ở một quán cóc ven đường nào đó, chỉ một chiếc bàn con, dăm ba chiếc ghế nhựa để nhâm nhi chén rượu Thanh Kim (Sapa) thấy lòng ấm lại trong cái lạnh tê tái để đắm chìm trong không gian tĩnh lặng.
5. Rượu San Lùng
Truyền thuyết người Dao truyền tụng rằng rượu San Lùng đặc sản Lào Cai là rượu của trời, của các đấng thiên tinh. Các vị Bồ Tát thường phái Tiên sa xuống núi Pò Sèn (ở Bản Xèo – Bát Xát) lấy rượu về. Ấy là khi trời mưa, nắng, người ta thường thấy xuất hiện một chiếc cầu vồng như ba vòi nước hút từ dòng suối chảy ra từ lòng nùi Pò Sèn ngược lên trời. Người Dao đỏ gọi ba vòi nước đó là San Lùng, nghĩa là ‘tam long’ và địa danh ấy là San Lùng. Là vùng đất có rồng thiêng, nên đồng bào đến ở lập thành làng bản và sinh sống bằng nghề làm nương nấu rượu. Rượu San lùng là loại rượu quý chỉ để dùng cúng bái trời đất tổ tiên, lễ, tết, hội hè, cưới hỏi và để đãi bạn hiền.
6. Món cá suối
Sa Pa Lào Cai không những là vùng đất nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ trong lành, mà còn là nơi có nhiều món ăn mang đậm hương vị núi rừng được nhiều du khách đặc biệt ưa thích. Trước hết phải kể đến món cá từ suối Mường Hoa, Mường Tiên mang lên bán phố chợ. Cá suối có nhiều loại. Cá trắng thân dẹt, tựa cá mương. Cá đen có dáng như cá chiên, nheo, màu đen lẫn với rêu đá. Điều đáng nói là cá suối không hề có vị tanh. Ngoài ra còn phải kể thêm cá hoa, cá bống…
Ăn cá suối chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay hoặc nướng qua, đem rán giòn rồi chiên với nước sốt cà chua cùng gia vị bột cà ri, bột hồ tiêu là trên mâm cơm đã có một món ăn ngon lành.
7. Cá hồi Sapa
Trên cùng hành trình tham quan Thác Bạc hay mạo hiểm với cuộc leo núi, chinh phục đỉnh Phansipan hùng vỹ, ngay dưới chân “nóc nhà Đông Dương” này là mái nhà lý tưởng của những chú cá hồi vân nổi tiếng trời Âu.
Với các món ẩm thực đa dạng được chế biến từ cá hồi như: gỏi, lẩu, cháo, trứng cá hấp, cá hun khói, salad rau xanh ăn kèm cá hồi tẩm sốt cam và tiêu xanh, cá hồi nhồi dưa chuột v.v…đã mang đến cho du khách hương vị hấp dẫn khó quên của món ẩm thực có một không hai tại Sapa.
8. Thắng cố
Đây là món ăn đặc trưng truyền thống của người Mông. Thịt nấu “thắng cố” được chế biến từ thịt bò, thịt trâu, thịt ngựa và thịt lợn. Các bộ phận như: lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương được cho vào chảo nước đun nhừ, có thể cho thêm các loại rau. Khi ăn, chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó.
Đây là món ăn thường được làm vào các ngày lễ hội, lễ ăn thề bảo vệ rừng, những ngày có đông người như hội làng, dòng họ, hay ở chợ phiên.
9. Măng chua
Măng vầu mới nhú được 25 – 30cm, mang về bóc và rửa sạch rồi thái thành từng lát nhỏ, không cho dính vào nước. Ủ măng vào chum, dùng túi bóng che kín miệng chum. Sau 20 – 30 ngày, măng sẽ chua. Lấy măng chua nấu với cá hay các loại thịt đều được. Khi nấu, măng ăn có vị chua mát, ngon, kích thích cảm giác ăn được nhiều.
10. Thịt sấy gác bếp
Các loại thịt trâu, bò, ngựa, lợn thường được người Mông treo lên gác bếp để sấy. Thịt trâu, bò, được thái dọc thành từng miếng khoảng 2 – 3kg, xâu lại và treo lên gác bếp để làm thức ăn dự trữ. Các loại thịt khi treo lên gác bếp sẽ khô dàn và để được hàng năm. Khi ăn, cọ rửa sạch mùi bồ hóng và bụi rồi cho vào xào với cà chua, măng.
Riêng thịt trâu, bò đã sấy kho cho vào tro bếp để nướng (không có than), sau đó đem ra đập hết tro và bụi để uống rượu. Thịt sấy thường có vị bùi, thơm, giòn.
Nguồn: Cachnauan.net
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét