Độc đáo món kẹo ngô truyền thống của dân tộc Xạ Phang Tủa Chùa
Đối với bất cứ ai từng tới huyện Tủa Chùa, tham dự các hội xuân hoặc đi phiên chợ xã vùng cao, ắt hẳn sẽ ít nhất một lần được nhìn thấy và nếm thử kẹo ngô – món ăn truyền thống độc đáo của người dân tộc Xạ Phang ở Tủa Chùa. Trong chuyến du ngoạn đầu năm tại xã Lao Xả Phình, chúng tôi không chỉ được thưởng thức món kẹo ngô mà còn được chứng kiến và tìm hiểu về các công đoạn làm món ăn đặc biệt này từ những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Xạ Phang.
Dẫn chúng tôi vào một số gia đình có truyền thống làm kẹo ngô trong thôn Lầu Câu Phình, già làng Hồ Sải Hừa phấn khởi cho biết: “Kẹo ngô là món ăn truyền thống của dân tộc Xạ Phang chúng tôi, truyền nghề lâu đời qua nhiều thế hệ cho những người phụ nữ trong gia đình, từ người bà, người mẹ, người chị cho tới những bé gái mới lớn, ai cũng được truyền dạy làm món kẹo ngô một cách khéo léo, đậm đà nhất. Phụ nữ dân tộc Xạ Phang không chỉ phơi chè khô ngon, khâu giày truyền thống đẹp, mà còn làm món kẹo ngô thơm ngon, độc đáo cho gia đình thưởng thức hay đem bán tại các chợ phiên, hội xuân trong huyện”.
Thăm nhà chị Ngại Lao Phùng đúng lúc chị đang xay bột chuẩn bị làm món kẹo ngô, chúng tôi được rõ hơn về các công đoạn cầu kỳ để làm món kẹo này. Chị Phùng là người có trên 20 năm kinh nghiệm làm kẹo ngô. Quanh năm, chị Phùng đều làm kẹo ngô để bán ở chợ phiên hàng tuần, dịp tết chị làm nhiều hơn để bán thêm tại các hội xuân. Chị Phùng cho biết: “Để có được một mẻ kẹo ngon mang ra chợ, tôi phải chế biến mất cả một ngày. Sáng nay, tôi xay ngô thành bột làm nguyên liệu chính, sau đó giã thêm mầm lúa nếp để làm men tăng độ dai, sánh của kẹo. Để kẹo thơm và ngọt tôi dùng thêm đường phên, sau đó trộn hỗn hợp với nước và nấu trên chảo lớn khoảng 3 tiếng”.
Khi hỗn hợp đã được đun trên bếp củi, chị Phùng chia sẻ với chúng tôi về bí quyết thành công của món kẹo ngô. Theo chị, khâu nấu hỗn hợp hết sức quan trọng nên lửa phải để khá nhỏ, thường xuyên mở chảo theo dõi độ nở và khô của hỗn hợp. Tới khi hỗn hợp cạn nước thì cho thêm nước và rắc thêm bột mầm lúa vào đảo thật đều để tăng độ sánh, độ dẻo cho kẹo.
Khi hỗn hợp được nấu xong, chị Phùng đổ hỗn hợp lên tấm vải mỏng để lọc, loại bỏ phần bã ngô. Nước cốt của hỗn hợp tiếp tục được chị Phùng cho vào nồi gang to, cô đặc trên bếp với lửa nhỏ. Đây cũng là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. “Thường cô nước cốt mất khoảng 3 -5 tiếng tùy thuộc vào lượng nước cốt thu được, trong thời gian này, tôi không phải trông nồi nhiều nên có thời gian làm các công việc khác trong gia đình” – chị Phùng chia sẻ.
Khi nước cốt đã được cô thành thành phẩm kẹo có mầu vàng sẫm như mật ong, chị Phùng tiếp tục loại bỏ phần cháy dưới đáy nồi, đổ thành phẩm kẹo ngô ra thúng lớn, chuẩn bị công đoạn làm trắng kẹo. Để kẹo có màu sắc hấp dẫn hơn, mọi người trong nhà phải quấn kẹo đang còn ấm vào một thân cây gỗ đặt giữa nhà, sau đó kéo qua, kéo lại nhiều lần cho đến khi kẹo chuyển sang màu vàng nhẹ. Đây là công việc khá vất vả vì lúc này kẹo đã sánh, dai, đòi hỏi người làm phải có sức khỏe dẻo dai. Do đó, công đoạn này được chồng và 2 con trai của chị Phùng làm giúp.
Vậy là sau một thời gian làm việc khá vất vả, kỳ công, món kẹo ngô đã được hoàn thành. Chúng tôi ai cũng mong chờ giây phút này để thưởng thức. Nếm thử một miếng kẹo ngô, chúng tôi thấy có vị thơm ngậy của ngô và mầm lúa hòa lẫn vị ngọt dịu, thanh khiết của đường phên, món ăn này khiến người thưởng thức phải nhâm nhi khá nhiều. Theo già làng Hừa, người Xạ Phang có truyền thống làm kẹo ngô quanh năm, nên bất cứ gia đình nào cũng tích trữ ngô trong nhà để làm kẹo. Có gia đình làm để ăn, tiếp khách và làm quà cho khách tới thăm nhà; cũng có nhiều gia đình làm để bán, tăng thêm thu nhập. Song, để làm nên thứ quà ngọt ngào hấp dẫn này, người làm kẹo không chỉ cần có đức tính cần cù, kiên nhẫn, mà còn phải có tình yêu sâu lặng đối với nghề truyền thống.
Trung bình một tháng chị Phùng có thể làm từ 4 – 6 mẻ kẹo. Với giá bán chỉ vài nghìn đồng/miếng kẹo. Một mẻ kẹo 20kg do chị Phùng vừa hoàn thành, khi bán hết sẽ mang về khoảng 200 nghìn đồng. Chị Phùng cho biết thêm: “Các mẻ kẹo tôi bán thu hút đông khách hàng là các em nhỏ và thanh thiếu niên. Mẻ nào tôi bán cũng hết sạch. Tuy thu nhập từ việc bán kẹo chỉ hỗ trợ phần nào trong chi tiêu gia đình, nhưng bao năm nay tôi vẫn bán kẹo ngô tại các chợ, hội xuân trong vùng như một niềm vui giữ gìn và trân trọng nghề truyền thống lâu đời của dân tộc Xạ Phang”.
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét