Những điều kỳ thú trên cung đường 14G
Cung đường 14G bao quanh là rừng núi không những sẽ ban tặng cho du khách khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn giúp du khách khám phá những địa danh, văn hóa và tập tục, con người Cơ Tu.
Du lịch Đà Nẵng khám phá những điều kỳ thú trên cung đường 14G
Từ quốc lộ (QL) 14B đoạn xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), quẹo phải sang QL14G nối phía Tây Đà Nẵng với huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) gần 70km, du khách đã có thể hòa cùng thiên nhiên núi rừng mát lạnh.
Non nước hữu tình
Đầu tháng 10, chúng tôi theo chân một đoàn phượt 12 du khách người Úc bằng xe gắn máy Minsk lượn vòng vèo qua QL14G. Vừa vào đầu cung đường QL14G, không khí trong lành bù lại bụi phủ khắp nơi QL14B ở vùng ven Đà Nẵng.
Ôm dọc quốc lộ là con sông Yên êm đềm nhấp nhô những thuyền câu nhỏ và bãi bắp trên đất bồi. Càng đi lên hướng núi, nhà dân càng thưa dần nhường chỗ cho núi rừng màu xanh ngắt và những khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng.
Ở xã Hòa Phú (Đà Nẵng), tận dụng nhiều con suối lớn từ Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà – Núi Chúa, tiết trời mát mẻ, nhiều doanh nghiệp đầu tư khu vui chơi, nghỉ dưỡng lớn như núi Thần Tài, Hòa Phú Thành, Suối Hoa… với đầy đủ dịch vụ tắm bùn, massage sauna, trượt thác, tắm suối, khách sạn – biệt thự nghỉ dưỡng… thu hút hàng vạn du khách mỗi tuần muốn trốn tránh cái nóng của Đà Nẵng, Hội An.
>>> Giảm giá ngay 5% khi booking online tour Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm nhé
Cung đường QL14G lên hướng xã Ba (huyện Đông Giang) càng lúc càng dốc, quanh co qua những khúc cùi chỏ một bên núi dựng đứng, một bên vực sâu như muốn thử thách các tay lái muốn chinh phục thiên nhiên.
Cung đường này du khách đi dưới bóng râm khi bên đường là hàng cây keo lá tràm thẳng đứng. Đến đầu xã Ba là những hàng chè lâu năm đều đặn trải dài hun hút theo con đường trông rất đẹp mắt.
Nhiều du khách chạy xe gắn máy lượn quanh các đồi chè và vào vườn chè chụp hình cùng với những nông dân đang chăm sóc, hái chè.
Từ xã Ba qua xã A Ting, Jơ Ngây, Sông Kôn, Tà Lu… trước khi đến thị trấn Prao, dọc hai con đường từ trên núi là những con suối, con thác đổ nước ì ầm ngày đêm và một bên là con sông Vàng chảy vắt ngang nhiều vùng trồng trọt.
Dọc đường du khách còn giao lưu, tận mắt cảnh sinh hoạt của người dân tộc Cơ Tu. Trên các nhà rông, nhà sàn, người Cơ Tu hiếu khách dệt thổ cẩm, đan lát, múa hát phục vụ khách.
Người Cơ Tu làm du lịch
Bên QL14G, ngôi làng Bhơ Hôồng (xã Sông Kôn, H.Đông Giang) của người Cơ Tu tươm tất, sạch và đẹp như tranh vẽ.
Cạnh không gian của làng là khu nhà du lịch cộng đồng do một công ty du lịch mạo hiểm tại Hội An đầu tư. Đó là dãy nhà sàn thiết kế rất đẹp với nội thất bên trong không thua khách sạn 3-4 sao, đón khoảng 20 khách lưu trú.
Còn du khách có nhu cầu muốn ở cùng bà con cũng có nhiều loại dịch vụ homestay do người Cơ Tu đầu tư, khoảng 100.000 đồng/giường/ngày đêm.
Trong căn nhà rộng hơn 50m² của mình, già Alăng Dinh ngăn đôi ra, phần tiện nghi hơn cho khách thuê. Già Dinh bảo bây giờ đã là cuối mùa du lịch nên khách đến không đông, mỗi tuần mới có một vài lượt.
“Bình thường nhà mình cho từ 4-6 khách ở. Họ thích hỏi chuyện với mình, rồi xem mình chế biến món ăn, coi mình dệt thổ cẩm, đan lát, học trồng lúa rẫy… Tiền họ trả cho mình nhiều hơn so với đi gieo hạt trên nương, khi vắng khách mình lại lên nương, vào rừng”, già Dinh nói.
Tiếng Kinh già Dinh không tốt, nhưng cô con gái A Lăng Nga của già vừa tốt nghiệp cấp III nên sành sỏi, thậm chí Nga nói được một ít tiếng Anh. Nga cho biết khách tới Bhơ Hôồng có nhiều sự lựa chọn.
Nếu ở homestay, Nga hướng dẫn khách thăm làng, xem đời sống của người dân, đi thăm suối Maly, học bắn nỏ, tắm thác Aréc. Còn khách ở khu nhà du lịch cộng đồng sẽ giao lưu thể thao với dân bản, đốt lửa trại đêm cồng chiêng…
A Ting Tài, nhân viên hướng dẫn của làng du lịch cộng đồng, cho hay ngoài các hoạt động trên, dịp các lễ hội, khách sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa tín ngưỡng, các nghi lễ độc đáo của người Cơ Tu.
Theo ông Mark Wyndham, quản lý Công ty TNHH du lịch khám phá mạo hiểm Hội An, sản phẩm du lịch QL14G hiện sơ khai, thiên nhiên nguyên vẹn, tính dân tộc còn bảo tồn nên khách còn rất khiêm tốn.
“Hầu hết khách thường chỉ ở lại một đêm, do vậy cần giữ chân khách bằng việc tạo ra nhiều sản phẩm hơn. Như tour giúp du khách trải nghiệm câu cá suối, bắt cá suối, dạy đan lát… Du khách đến đây quan tâm đến trải nghiệm và tìm hiểu văn hóa hơn là hưởng thụ, đó là tiêu chí phải lưu ý”, ông Mark nói.
Du khách có thể trải nghiệm, khám phá cung đường QL14G theo nhiều cách. Đến Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, khách có thể thuê xe gắn máy (150.000 đồng/ngày), ôtô (500.000-800.000 đồng/ngày) vi vu trên cung đường để chủ động tham quan.
Hoặc du khách thuê các chủ xe môtô phân khối lớn chở đi dọc QL14G tham quan, lo ăn uống, nghỉ ngơi, hướng dẫn… với giá 85-100 USD/ngày đêm.
Nhiều điểm
cho du khách khám phá
Ông Đỗ Tài, bí thư Huyện ủy Đông Giang, cho biết làng Bhơ Hôồng là một trong hai điểm làm du lịch cộng đồng nhờ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế với mục đích giúp bà con bảo tồn kho văn hóa, vừa cải thiện đời sống.
Theo ông Tài, sản phẩm du lịch cung đường 14G với các cụm chính như khám phá đồi chè Quyết Thắng, làng Bhơ Hôồng, làng nghề thổ cẩm Đhơ Rôồng, thác nước G’Răng, làng nghề dệt thổ cẩm Cơ Tu, thêm các điểm cụm địa đạo A Nông, làng gốm C’noonh để đa dạng sản phẩm.
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét