Sự biến đổi của ẩm thực gia đình Việt qua các thời kì
Ẩm thực gia đình là một phần quan trọng, là nét đặc sắc trong ẩm thực Việt và có sự biến đổi, chuyển hướng qua các thời kì. Hãy khám phá ngay những chuyển mình đó nhé!
Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng cơ bản để tạo nên một xã hội hoàn chỉnh và vững mạnh. Nói đến văn hóa gia đình, người ta thường đề cập đến ẩm thực gia đình, đến bữa bữa cơm quen thuộc hàng ngày; bữa cơm trong gia đình người Việt không chỉ đơn thuần là nơi mọi người trong gia đình cùng thưởng thức những món ngon mà cao hơn đó là sự gắn kết các thành viên, hình thành nên truyền thống của gia đình.
Ẩm thực gia đình Việt truyền thống trong xã hội cũ
Người phương Tây sống duy lý, chính bởi vậy bữa cơm gia đình không được coi trong, con cái khi trưởng thành đều sống riêng bố mẹ, có cuộc sống tự lập ngay khi tròn 18 tuổi. Người Việt Nam thì ngược lại, lối sống duy tình nên có thói quen sau một ngày làm việc vất vả, hay sau những ngày đi xa thì luôn mong muốn quay trở về mái nhà chung để quây quần bên nhau dùng bữa cơm đầm ấm, sum vầy. Và đây là lúc mà ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em cùng ngồi bên mâm cơm thưởng thức những món ăn yêu thích do bà, do mẹ nấu và cùng kể cho nhau nghe những câu chuyên vui vẻ. Đây là nét đẹp văn hóa được người Việt duy trì và gìn giữ từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Mâm cơm quen thuộc với người Việt
Là cư dân gốc nông nghiệp lúa nước, sống quần cư trong các xóm làng nên ẩm thực gia đình Việt thường rất đơn giản, tùy theo điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà có sự khác nhau. Thực phẩm để chế biến món ăn rất phong phú và đa dạng, đó là sản vật trồng, nuôi được hoặc tự đánh bắt được trong thiên nhiên. Thường thì mâm cơm người Việt sẽ có một món mặn, một món xào và một món canh, đa số trong đó là được chế biến từ thực vật, các loại rau củ. Độc đáo nhất là các món canh, hầu như trên thế giới chỉ có người Việt Nam có cách ăn canh chan vào cơm và một điều không thể thiếu là bát nước mắm với nhiều loại như: mắm cá, mắm tôm, mắm tép cùng bát dưa cà muối.
Những món ăn rất đơn giản và bình dị
Mâm cơm chính là sự thể hiện rõ nét ẩm thực gia đình cũng như nét văn hóa giao tiếp ứng xử của người Việt. “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” thể hiện ở chỗ: Người phụ nữ sẽ là người ngồi đầu nồi để vừa ăn vừa xới cơm phục vụ cả nhà. Nếu cơm có nấu không đủ thì người ngồi ngoài phải ăn chậm lại và nhường các thành viên khác trong gia đình. Mỗi bữa cơm gia đình không chỉ để ăn cho no mà còn là khoảng thời gian để mọi người trong gia đình hiểu nhau hơn, là sợi dây gắn kết tình thân của các thành viên. Truyền thống, nền nếp gia đình cũng từ đó mà hình thành và được củng cố. Trong bữa cơm, không chỉ đơn thuần dành cho nhau những lời hỏi han, quan tâm mà đây còn là cơ hội để học hỏi những bài học cuộc sống quý giá từ ông bà, cha mẹ truyền dạy, từ đó thấm nhuần những bài học về đạo lý làm người.
Ẩm thực gia đình Việt trong cuộc sống hiện đại
Trong thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa hiện nay, mỗi con người đều trở nên bận rộn, tất bật hơn, đặt biệt là ở những thành phố lớn, vì vậy mà những bữa cơm thân mật ngày càng trở nên thưa vắng dần. Công việc nhiều hơn, các mối quan hệ tăng lên, việc đi sớm về muộn đã không còn là điều xa lạ đối với các đôi vợ chồng trẻ. Áp lực cuộc sống, ganh đua vị trí khiến họ dần đánh mất những giá trị văn hóa để vùi mình vào công việc. Và những bữa ăn nhanh chóng, tiện lợi là điều họ chọn, mà không chú tâm đến những bữa cơm gia đình nữa và đó cũng là một phần nguyên do cho tình cảm gia đình bị rạn nứt.
Sự du nhập của các tiệm ăn nhanh từ phương Tây là một phần khiến cho ẩm thực gia đình bị mai một
Tuy vậy, trong tiềm thức của mỗi người dân Việt thì mâm cơm gia đình với khung cảnh quây quần vẫn luôn là nét đẹp đáng nhớ và không thể mất đi. Điều đó thể hiện ở các dịp lễ, tết, giỗ, rằm,… mọi thành viên đều nhắc nhớ nhau sum họp, trở về dù có ở nơi nào xa xôi đi chăng nữa. Mong muốn được về sum họp bên mâm cơm, tìm lại cảm giác ấm áp, gần gũi, muốn được gặp lại những người thân yêu, chia sẻ những niềm yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc từ tận đáy lòng. Để được ông bà dạy dỗ, để được bố mẹ bảo ban, để luôn thấy rằng những người mà mình yêu thương vẫn luôn ở đây, bên cạnh mình, sau những giông bão, sóng gió cuộc đời.
Mâm cơm đoàn tụ ngày Tết
Đối với mỗi người Việt Nam, gia đình vô cùng quan trọng. Gia đình là nơi hun đúc những giá trị truyền thống hình thành nên con người. Vì vậy, có thể coi bữa cơm, ẩm thực gia đình là một biểu tượng cho văn hoá Việt Nam cần được gìn giữ và phát huy.
_ Ms. An Nhiên _
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét