Gỏi ngũ sắc - Đặc sản miền Nam Bộ
Gỏi ngũ sắc hấp dẫn là sự kết hợp của nhiều nguyên liệu, nhiều loại rau khác nhau tạo nên một bức tranh ẩm thực độc đáo cùng hương vị thơm ngon khiến thực khách thích mê mỗi lần thưởng thức.
Gỏi - Món ăn bình dị của người Sài Thành
Trong những món ăn vùng đất Nam Bộ, gỏi được xem là món dân dã, đồng quê, phù hợp với khẩu vị cũng như sở thích của nhiều người. Các món gỏi của miền Nam rất phong phú, thường là trộn với tôm, thịt, tai heo như món gỏi ngó sen tôm thịt, gỏi bồn bồn, gỏi củ hủ dừa, gỏi vịt với rau rém, gỏi xoài khô cá lóc, gỏi đu đủ…
Gỏi ngũ sắc – món ngon khó cưỡng của ẩm thực Nam Bộ
Vùng Bến Tre nổi tiếng với gỏi củ hủ dừa tôm thịt. Củ hủ dừa là phần non nhất trong cây dừa, khi lấy củ hủ xem như phải chặt bỏ cây dừa, vì vậy món gỏi củ hủ dừa cũng được coi là món ăn độc đáo của vùng đất Nam Bộ. Vùng Bạc Liêu, Cà Mau thì nổi tiếng với món gỏi bồn bồn - bồn bồn là loại cây cỏ mọc hoang dại ở vùng đất trũng. Về An Giang thì có món gỏi sầu đâu rất độc đáo mà không nơi nào có được. Lá, hoa sầu đâu có vị rất đắng được trộn với khô sặc rằn hay cá lóc rưới lên một ít nước mắm me chua ngọt.
Gỏi ngũ sắc - Sự kết hợp những tinh hoa đặc sắc nhất của gỏi Nam Bộ
Và gỏi ngũ sắc Nam Bộ sẽ là một trải nghiệm ấn tượng khi dùng bữa tại đây.
Món ăn như một bức tranh ẩm thực đầy màu sắc
Nhiều khách hàng đã tò mò với tên gọi thật của món ăn này. Đây là sự kết hợp của 5 trong tất cả các món gỏi của nhà hàng, để tạo nên một món gỏi ngũ sắc đủ hương vị khiến thực khách thích mê, thường bao gồm: gỏi gà lá cóc, gỏi mực dưa leo, gỏi xoài hải sản, gỏi bò bóp thấu, gỏi gà thân chuối, gỏi bồn bồn tôm thịt, ... Để làm nên món này cần nhiều công vì người đầu bếp sẽ phải chế biến từng món riêng lẻ. Từng món gỏi riêng trong gỏi ngũ sắc sẽ được thay đổi theo từng mùa, để đảm bảo luôn tươi ngon, chất lượng.
Theo đầu bếp nhà hàng chia sẻ, gỏi ngũ sắc chế biến không quá khó nhưng để ngon miệng thì món ăn đòi hỏi sự tỉ mỉ rất lớn từ người đầu bếp. Món gỏi ngũ sắc ngon thì điều kiện tiên quyết là các nguyên liệu tươi ngon và đủ thành phần, chỉ cần thiếu đi một nguyên liệu cũng sẽ làm hương vị món ăn không tròn vẹn.
Gỏi gà lá cóc có lẽ là món ăn khá lạ với người Bắc Bộ. Lá cóc chỉ có thể tìm thấy ở phương Nam. Khác với các món gỏi của miền Bắc hay dùng đu đủ xanh, xoài xanh, nguyên liệu thường được bóp với dấm cho ngấm, thì gỏi gà lá cóc với lá cóc đã có sẵn vị chua rất giòn, thanh, lại quyện thêm với vị ngọt của thịt gà, mang đến nhiều thú vị người thưởng thức. Gỏi bò bóp thấu là chút biến tấu nhẹ nhàng mà đầy kích thích của thịt bò tái chanh, kết hợp với vị chua của khế, vị hơi chát của chuối xanh và mùi thơm hấp dẫn từ hành phi hòa lẫn với đậu phộng rang vàng để tạo nên một hương vị không lẫn vào đâu được.
Gỏi xoài hải sản là sự kết hợp từ vị chua dìu dịu của xoài, vị ngọt từ hải sản hấp vừa chín tới vẫn còn giữ được độ dai giòn, chút gì đó đậm đà đến từ gia vị, được cân bằng bởi vị cay nồng của ớt, để rồi ăn miếng thứ nhất, muốn tiếp tục miệng thứ hai cứ thế cho đến miếng cuối cùng được đưa lên miệng, hương vị cứ vấn vương nơi đầu lưỡi.
Nếu từng một lần nếm thử gỏi bồn bồn tôm thịt, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên vị giòn, mềm, chua lạ, như thể ngó sen và măng hòa quyện. Gỏi được làm từ phần nõn của cây bồn bồn ở miền Tây sông nước kết hợp cùng tôm tươi tạo nên vị thơm ngọt đầy hấp dẫn. Bồn bồn tươi qua tay nghề khéo léo của người đầu bếp vẫn giữ được hương vị đặc trưng cùng màu sắc trắng ngần bắt mắt.
Có thể bạn không biết nhưng “linh hồn của những món gỏi” chính là phần nước mắm được pha với tỉ lệ vừa đủ, với những hương vị đậm đà đan xen giữa vị chua cay mặn ngọt. Nhưng với từng loại gỏi sẽ được gia giảm riêng để hài hòa với những nguyên liệu khác. Tất cả đều giữu chuẩn vị Nam Bộ với sự nghiên cứu và phát triển của cô Hai Chi - con gái Má Sáu Cây Dừa - cây đại thụ của ẩm thực Nam Bộ.
Gỏi ngũ sắc không chỉ ngon miệng mà còn khiến thực khách bất ngờ bởi cách bày biện vô cùng đẹp mắt trong những bẹ hoa chuối. Mỗi loại gỏi được đặt trong một chiếc bẹ hoa chuối, ghép lại tựa một bông hoa ẩm thực 5 cánh đang tỏa sắc hương mời gọi, kích thích mọi giác quan của người thưởng thức.
Gắp một miếng gỏi, chấm vào chén nước chắm hơi cay nếu bạn cảm thấy chưa vừa miệng, rồi thưởng thức. Vị ngọt ngọt, chua chua của các loại nguyên liệu, đậm đà của nước chấm, tất cả tổng hòa tạo nên một hương vị ngon miệng khó diễn tả. Gỏi ngũ sắc tuy là sự kết hợp của những món ăn dân dã, chủ yếu là các thành phần từ miệt vườn sông nước, nhưng lại mang đến cho người thưởng thức nhiều trải nghiệm thú vị, khó quên.
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét