Gỏi cá trích Nam Ô bình dân mà sang trọng
Có dịp về làng Nam Ô (Đà Nẵng), sau khi mãn nhãn với cảnh quan thiên nhiên, du khách ưa khám phá ẩm thực không thể bỏ qua món gỏi cá trích, món ăn nức tiếng của người dân nơi đây.
Du lịch Đà Nẵng thưởng thức món gỏi cá trích Nam Ô bình dân mà sang trọng
Đĩa gỏi với màu trắng của thịt cá cùng màu xanh của rau, điểm thêm vài lát ớt chín đỏ thái mỏng trông vô cùng hấp dẫn. Chén nước chấm sẫm vàng bên cạnh đĩa gỏi như mời gọi.
Làng Nam Ô nằm nép mình bên bãi rạng Nam Ô, ngay dưới chân đèo Hải Vân, nay thuộc P.Hòa Hiệp, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, nơi trú ngụ lý tưởng của nhiều loại cá, phổ biến nhất là cá cơm và cá trích.
Khi mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển cũng là lúc các ngư dân làng Nam Ô hối hả chuyển những thúng cá cơm, cá trích tươi nguyên lên bờ.
Cá đánh bắt được, một ít được thương lái bỏ cho các chợ trong thành phố, còn phần lớn ngư dân để lại cho người trong làng. Từ đây, cá cơm được chuyển đến các lò làm nước mắm, cá trích dùng để chế biến gỏi cá nức danh gần xa.
Người sành ăn, mỗi khi ghé các quán gỏi ở Nam Ô thường gọi liền hai loại: gỏi cá khô và gỏi cá ướt, bởi thưởng thức cả hai mới cảm nhận trọn vẹn hương vị gỏi cá vùng biển Đà Nẵng.
>>> Giảm giá ngay 5% khi booking online tour Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm nhé
Tuy thành phẩm không giống nhau, nhưng cách chế biến gỏi cá ướt và cá khô tương đồng, chỉ khác ở công đoạn cuối.
Trước tiên, những con cá còn tươi nguyên cắt bỏ đầu, ruột và phần đuôi sau đó đánh vảy, rửa sạch. Một bí quyết của người dân Nam Ô là khi rửa cá thêm một chút muối, giấm vào nước để loại bỏ mùi tanh và rửa nhiều lần đến khi nước trong thì thôi.
Để cá thật ráo nước mới dùng lưỡi dao bén khứa dọc theo lườn cá, chỉ lấy phần thịt lưng của cá. Tiếp tục thái cá thành từng lát mỏng, càng mỏng càng tốt.
Lát cá được thái ra phải có đủ phần thịt hai bên và phần thịt nơi xương sống chính giữa, để khi thưởng thức có thể cảm nhận được vị ngọt lẫn độ giòn sần sật của thịt cá.
Ướp những lát cá mỏng vào hỗn hợp gừng, tỏi, ớt hiểm giã nhỏ, bột ngọt, chanh, cùng chanh, giấm gạo. Trộn đều và ngâm cá khoảng 10 – 15 phút, tiếp tục vớt cá đã ngấm gia vị ra bóp ráo chuẩn bị làm món gỏi khô và ướt.
Nếu làm món gỏi cá ướt chỉ cần cho thêm một lần nữa hỗn hợp nước mắm pha chanh, ớt, tỏi, gừng cùng với dấm vào tô cá. Trước khi ăn có thể rắc đậu, mè đập giập lên trên.
Riêng gỏi khô không thêm nước mắm mà trộn với hỗn hợp bánh tráng, đậu, mè đã giã mịn. Chính bánh tráng giã mịn sẽ làm cá trở nên khô ráo hơn, còn mè và đậu phộng sẽ làm tăng vị béo, thơm.
Để món gỏi cá trích khô lẫn ướt đủ đầy hương vị, nhất thiết không thể thiếu món nước chấm hảo hạng.
Cà chua chín thái lát cho vào chảo dầu phụng đun sôi, xào đến nhuyễn rồi, nhấc xuống khỏi bếp đợi sốt cà nguội mới cho vào tô nước mắm Nam Ô chua cay. Tiếp đến, thêm đậu phộng rang giã nhuyễn vào sao cho nước mắm sền sệt là được.
Hấp dẫn không kém “nhân vật chính gỏi cá” là rổ rau rừng. Những đọt ổi, lá cóc rừng, xoài, trám, dừng, đinh lăng, mơ… được người dân hái từ vùng núi dưới chân đèo Hải Vân mang về và thêm một ít dưa chuột, xoài, chuối chát để tăng vị đậm đà.
Khi thưởng thức, đặt rau lên bánh lề, bỏ gỏi cá lên trên và cuộn lại, chấm ngập trong chén nước chấm, cứ thế đưa lên miệng, vừa hít hà, vừa xuýt xoa.
Gỏi cá trích vốn lành, bổ dưỡng, lại có sự kết hợp khéo léo với rau rừng nên nghiễm nhiên trở thành một bài thuốc hữu hiệu giúp bồi bổ thêm sức khỏe.
Ban đầu chỉ vài ba gia đình làm nghề bán gỏi cá tại Nam Ô, sau xuất hiện thêm nhiều hàng quán nhưng lúc nào cũng đông khách.
Có thể người dân địa phương chọn gỏi cá để có dịp hàn huyên tâm sự, có thể là khách trên đường thiên lý vào Nam ra Bắc muốn một lần ghé vào để được trải nghiệm hương vị lạ…
Và chắc chắn một điều, khi đã biết ăn gỏi cá trích nơi này rồi chắc chắn thực khách sẽ nhớ mãi và rồi mong được thêm một lần quay lại thưởng thức.
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét