Các loại bánh trứ danh ở miền Bắc
Ẩm thực Miền Bắc ngoài các món ăn ra thì các loại bánh cũng góp phần tạo nên nét riêng biệt cho ẩm thực miền này.
Bánh tẻ, bánh gai, bánh đúc, bánh gio... là các loại bánh thân thuộc, gắn bó với đời sống và con người Bắc Bộ.
1. Bánh cuốn
Bánh cuốn là loại bánh được làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, ăn khi còn ướt, bên trong có nhân thịt hoặc mộc nhĩ, nấm hương, hành lá...Miền Nam cũng có một món bánh cách chế biến tương tự nhưng không có nhân gọi là bánh ướt. Bánh cuốn thường ăn với một loại nước chấm pha nhạt từ nước mắm và nếu là bánh cuốn truyền thống thì không thể thiếu tinh dầu cà cuống pha trong nước chấm khi ăn thường kèm thêm chả lụa.
Bánh cuốn là món ăn phổ biến của người miền Bắc, từ cách chế biến chung, mỗi địa phương lại gia giảm một chút "màu sắc" cho món bánh của mình để món bánh cuốn được nhắc tới như một niềm tự hào: bánh cuốn Thanh Trì, bánh cuốn Làng Kênh (Nam Định), bánh cuốn trứng (Lạng Sơn), bánh cuốn Hải Dương, bánh cuốn Phủ Lý. Bánh cuốn dễ ăn, ngon miệng, thích hợp ăn quanh năm.
2. Bánh tẻ
Bánh tẻ có nơi gọi là bánh răng bừa, cũng là một thứ bánh truyền thống của đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng, nổi tiếng hơn cả là bánh tẻ làng Chờ (Bắc Ninh), bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây), bánh tẻ Văn Giang(Hưng Yên)...Bánh có hình thuôn dài, làm từ bột tẻ bọc lá chuối, nhân có thịt thái chỉ, mộc nhĩ, hành lá...Bánh tẻ có vị đậm nên có thể ăn không hoặc chấm cùng nước mắm, nước tương đều rất ngon miệng.
3. Bánh đúc lạc
Khác với món bánh đúc làm từ bột năng của miền Nam, bánh đúc lạc miền Bắc làm từ bột gạo. Bánh đúc lạc chấm tương ăn giòn, mịn, mát; là thức quà quê giản dị chân chất gắn bó với người miền Bắc từ xa xưa. Bánh đúc thuần túy được làm từ bột gạo pha nước vôi trong, thêm lạc rồi đóng miếng, ăn nguội. Một số nơi còn dùng thêm chút cơm dừa xắt miếng mỏng hoặc nhuyễn trộn lẫn bột trong nồi bánh trước khi đổ ra khuôn.
4. Bánh gai
Bánh gai có vị ngọt đậm, là món bán đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. Bánh có dạng hình vuông, màu đen, gói trong lá gai xám. Nhân có dừa, đỗ xanh, bí đao, đôi chỗ còn cho thêm lạc, vừng, sen, mỡ lợn thái nhỏ. Vỏ bánh có màu đen độc đáo là màu của lá cây gai được phơi khô, luộc kỹ , giã nhỏ trộn cùng bột gạo nếp. Cũng chính vì vậy, bánh có tên gọi là bánh gai.
Bánh gai ngọt bùi, thơm ngậy, dẻo dai, thường dùng làm đồ tráng miệng sau bữa chính. Một số nơi làm bánh gai ngon nổi tiếng có thể kể tới bánh gai Tứ Trụ(Thanh Hóa), bánh gai Ninh Giang (Hải Dương), Bánh gai Làng Giá (Hoài Đức, Hà Nội)...
5. Bánh gio
Bánh gio (hay bánh tro) cũng là thứ bánh dân dã, mộc mạc của miền Bắc. Sở dĩ bánh có tên gọi như vậy là vì nước dùng để ngâm gạo làm bánh và luộc bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau. Bánh gio có màu vàng trong suốt như hổ phách, vị dẻo mát, thơm thoảng mùi vôi dễ chịu. Khi ăn, bánh được chấm cùng mật mía. Ngoài bánh gio Phủ Từ còn có bánh gio Yên Thái cũng là nơi có tiếng làm bánh gio ngon.
6. Bánh khúc
Bánh khúc hay xôi khúc, xôi cúc là loại bánh có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, làm từ lá rau khúc (có hai loại là rau khúc tẻ và rau khúc nếp có khi còn được gọi là khúc Ông và khúc Bà, nhưng khi làm bánh, người ta thường chọn lá rau khúc nếp, bởi lá khúc nếp thơm ngon hơn nhiều), gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt lợn mỡ. Bánh thường được làm vào mùa rau khúc - dịp tháng 2, tháng 3 Âm lịch.
Ở Hà Nội, bánh thường được rao bán vào các buổi tối, người bán (thường là nam) đội thúng bánh trên đầu đi dọc các phố và rao "Xôi nóng bánh khúc đê, xôi nóng bánh khúc nào..." hay “Ai bánh khúc nóng đây!” cùng rất nhiều cách rao khác nhau với một âm điệu rất đặc biệt trở thành nét đặc trưng của người Hà Nội.
7. Bánh trôi - bánh chay
Bánh trôi - bánh chay, có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng ngày nay đã trở thành hai loại bánh cổ truyền tại miền Bắc Việt Nam. Hai loại bánh này thường đi liền với nhau, phổ biến nhất trong dịp Tết Hàn thực vào mùng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, còn gọi là "ngày bánh trôi bánh chay".
Cách làm bánh trôi - bánh chay khá đơn giản, cùng nguyên liệu bột nước của gạo nếp lẫn gạo tẻ, thêm viên mật vê tròn luộc chín là thành bánh trôi; đổi nhân đậu xanh, nhân dừa, đặt trong bát nước đường quấy bột sắn sánh sệt, thêm chút hương liệu thơm tho là được bát bánh chay. Từng viên bánh trắng muốt, ngọt ngào, phảng phất hương hoa bưởi khiến món bánh luôn có sức hấp dẫn lòng người.
8. Bánh cốm
Bánh cốm là đặc sản của Hà Nội, là thứ lễ không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp và là món quà được ưa chuộng của du khách thập phương.Bánh cốm làm từ Cốm, nhân đậu xanh dừa nạo và mứt bí hoặc mứt sen trần, thường dùng cho lễ ăn hỏi. Áo cốm vuông vức màu xanh lá lúa mát mắt, ôm lấy nhân ngọt ngào bên trong. Ăn bánh ngoài vị ngọt thanh còn thấy vị thơm của cốm, là món quà riêng có của mùa thu Hà Nội.
Theo Depplus
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét