Thực phẩm "sạch" trong kênh hiện đại: Bao nhiêu thật, bao nhiêu giả?
Hầu hết các sản phẩm thực phẩm được bán trong hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều được gắn mác "sạch" và "an toàn".
Thế nhưng, với hàng loạt các vụ việc vi phạm liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, liệu cơ chế quản lý hiện hành có đang tồn tại bất cập, kẽ hở khiến cho các DN dễ dàng "treo đầu dê, bán thịt chó"?
Liên tiếp các thông tin về thực phẩm không an toàn, ngay trong chính các cơ sở phân phối được xem là "an toàn" nhất khiến người tiêu dùng hoang mang. Chuyện phát hiện nấm không rõ nguồn gốc, thịt không nhãn mác, không hạn sử dụng ngay trong các siêu thị lớn tại Hà Nội chưa hết "nóng", thì mới đây thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Hà Nội lại phát hiện, rau củ quả có nguồn gốc Trung Quốc đang được bày bán công khai, tràn lan trong các siêu thị lớn.
"Thường" đột lốt "sạch"
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều lộn xộn, người tiêu dùng quan tâm đến độ an toàn của thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm rau an toàn, thực phẩm sạch. Do đó, các kênh bán lẻ hiện đại đã tận dụng xu hướng và tâm lý tiêu dùng này để kinh doanh các sản phẩm thực phẩm gắn mác "sạch".
Đơn cử như với rau an toàn, với nhu cầu tiêu dùng sản phẩm này ngày càng tăng lên, các siêu thị hay cửa hàng chuyên doanh sản phẩm này cũng "mọc" lên như nấm tại Hà Nội. Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, đến hết năm 2013, trên địa bàn thành phố có hơn 200 cửa hàng, siêu thị, điểm bán, phân phối rau an toàn, cung cấp khoảng 15 – 20 tấn/ngày.
Tuy nhiên, theo PGS.Ts. Nguyễn Văn Tuấn, Viện Thương mại kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế Quốc dân), trên thực tế số lượng cửa hàng nhận là bán rau an toàn lớn hơn rất nhiều, lên đến hàng nghìn điểm bán và đang tăng lên nhanh chóng. Thực tế này đồng nghĩa với việc, có không ít cửa hàng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh rau an toàn vẫn đang tồn tại, mà nguyên nhân là do cơ chế quản lý của cơ quan liên ngành hiện vẫn chưa thực sự chặt chẽ.
Còn theo ông Trương Trung Dũng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội, hiện vẫn chưa có cơ chế quản lý và kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và quy trình sản xuất, tiêu thụ các cửa hàng rau an toàn. Lợi dụng điều này, nhiều cửa hàng rau an toàn đã "trà trộn" cả rau không đảm bảo tiêu chuẩn với rau an toàn, hoặc thậm chí "đội lốt" an toàn, rau sạch cho rau thường.
"Một trong những tồn tại hiện nay là nhận thức về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm từ các cấp quản lý đến người tiêu dùng vẫn chưa đầy đủ. Từ đó dẫn đến thiếu trách nhiệm với cộng đồng và các nguồn lực xã hội đầu tư cho vấn đề này còn thấp", ông Dũng đánh giá.
Trong khi đó, theo khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), về thực trạng sử dụng rau an toàn tại Hà Nội, người tiêu dùng thường ưu tiên lựa chọn các địa chỉ tin cậy như siêu thị, quầy hàng thực phẩm vì có nguồn gốc, cơ sở sản xuất và nhãn mác rõ ràng, đảm bảo độ tin cậy. Theo đó, có 35,82% người được hỏi cho biết chỉ lựa chọn cửa hàng có chứng nhận rõ ràng về thực phẩm sạch; 21,39% quan tâm đến sản phẩm phải có dán nhãn và đóng gói nơi sản xuất…
Hàng kém "lọt" quản lý
Thế nhưng, với hàng loạt các thông tin "trái chiều" về thực phẩm sạch thiếu an toàn ngay trong các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, mức độ tin cậy của người tiêu dùng với các sản phẩm thực phẩm sạch tại các kênh phân phối này cũng "giảm".
Theo khảo sát của IPSARD, có 13,40% người tiêu dùng không hoàn toàn tin tưởng vào các sản phẩm rau sạch được bán trong kênh phân phối hiện đại, 21,4% chỉ tin vào những sản phẩm được bán bởi các cửa hàng quen và 43,3% chỉ tin vào những sản phẩm được bán trong các siêu thị uy tín. Theo các chuyên gia, thực tế này cho thấy, người tiêu dùng đang dần mất niềm tin vào các kênh phân phối hiện đại về các sản phẩm thực phẩm sạch, an toàn.
Các chuyên gia cho rằng những bất cập trong cơ chế pháp lý hiện hành khi chưa tạo được sự gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với kênh bán lẻ, các DN đã lợi dụng trà trộn hàng kém chất lượng vào thị trường.
Theo Ts. Hoàng Khắc Lịch, Khoa Kinh tế phát triển (Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội), các chính sách hiện hành đưa ra mang nặng tính thúc đẩy phát triển sản xuất hơn là tiếp cận thị trường, tạo tính kết nối giữa sản xuất và phân phối. Do đó, con đường từ sản xuất đến phân phối sản phẩm vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, tạo nhiều kẽ hở cho DN phân phối dễ dàng "trà trộn" các sản phẩm kém chất lượng vào thị trường.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, những sai phạm thường liên quan đến ghi nhãn mác là tiếng nước ngoài để đánh vào tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, thay đổi nhãn mác hàng hoá quá hạn sử dụng thành hàng còn hạn dùng, tẩy xoá nhãn mác, làm giả xuất xứ hàng hoá đang có xu hướng ngày càng tăng. Năm 2013 có đến 1.615 vụ, với số tiền thu phạt cũng tăng cao gấp đôi so với năm trước.
Theo ông Dũng, nguyên nhân chủ yếu là do chế tài xử phạt hiện còn tương đối nhẹ, nên chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ quản lý thị trường vốn có vai trò quan trọng để ngăn chặn hoạt động này, thì chính sách tuyển dụng lại "có vấn đề".
Đơn cử như năm 2013, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tuyển dụng 25 cán bộ, song đã có tới 16 cán bộ là nữ, trình dộ chuyên môn và nhận thức về vấn đề quản lý thực phẩm của nhiều cán bộ còn hạn chế, càng khiến cho thực phẩm "bẩn" dễ "lọt" cửa vào kênh phân phối hiện đại.
Cần phối hợp cơ quan liên quan để quản lý chuỗi Ts. Lê Thuỳ Dương, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Để đảm bảo hiệu quả quản lý đòi hỏi các cơ quan ban ngành phải ban hành các văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu tính đồng bộ, tính khoa học, công khai và minh bạch. Tăng cường tuyên truyền về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cần kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh thông qua việc tăng tần suất, quy mô của các đợt kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ và đồng bộ các cơ quan liên quan để quản lý theo chuỗi thực phẩm từ khâu nuôi trồng, giết mổ, sản xuất, vận chuyển, nhập khẩu đến thức ăn chế biến, kinh doanh.Phải nâng cao năng lực sản xuất, gắn kết phân phối Bà Lưu Thị Minh Ngọc, Đại học Công nghiệp Hà NộiMột thực tế là hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam có công nghệ chế biến, bảo quản chưa cao, mẫu mã chưa đa dạng. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ cho sản xuất để cải thiện sản phẩm cuối cùng, thông qua đào tạo, tổ chức nâng cao năng lực, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Các DN bán lẻ cần có yêu cầu khắt khe và ràng buộc hơn với nhà cung cấp. Theo đó, các DN cần chủ động có mối liên hệ với người nông dân như đầu tư dài hạn nguồn thực phẩm và đào tạo, tập huấn khoa học kỹ thuật. DN và nhà sản xuất chưa gắn kết Ông Trương Trung Dũng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà NộiCác DN phân phối khi có đầu ra thì không tìm được nguồn cung cấp có uy tín, ngược lại khi không có đầu ra thì lại để nông dân tự giải quyết lượng rau quả an toàn dư thừa. Sự không gắn kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và phân phối chính là một phần nguyên nhân và là kẽ hở khiến cho hàng kém chất lượng vào thị trường. |
Thực phẩm sạch lên ngôi
Theo Cẩm An
Thời báo kinh doanh
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét