Phải ăn gì để cảm nhận hết độ ngon của ẩm thực Cần Thơ?
Bánh cống, cá lóc nướng trui, mún mắm,… ở Cần Thơ có một cái gì đó làm người ta luôn cảm thấy quyến luyến.
Chợ Cái Răng – điểm hút khách du lịch độc đáo của Cần Thơ
Cần Thơ không có vẻ cổ kính, sang trọng rất Tràng An như Hà Nội, cũng không phải vẻ ngoan hiền của Huế hay sự lơ đãng của Đà Lạt và càng không giống sự trẻ trung, sôi động của Nha Trang. Có lẽ, tôi là một lữ khách quá khó chiều hay tiết kiệm lời khen khi nói Cần Thơ chỉ là một nơi “đủ”: đủ an toàn, đủ vui và đủ no.
Cầu Cần Thơ lung linh và hiện đại.
Thứ nhất, dù đi một mình, bạn cũng không bao giờ cảm thấy lạc lõng vì chỉ cần cởi mở một chút, lân la hỏi chuyện người bản xứ là chắc chắn nhận về cả một kho những câu chuyện thú vị không để đâu cho hết. Thứ hai, đi thuyền trên sông nước mênh mông ở Cần Thơ chưa bao giờ nhàm chán, ngay cả người ở những nước tận đẩu tận đâu cũng tìm đến miền Tây để chèo thuyền cơ mà. Và thứ ba, quan trọng nhất, đồ ăn cực rẻ và cực ngon. Nếu bạn vẫn còn chưa tin vào lí do này thì hãy nghe tôi kể nhé.
Bánh cống – Nguyễn Trãi
Bánh cống rất dễ tìm thấy ở Cần Thơ. Vừa xuống xe, đang lang thang ở đường Nguyễn Trãi, tôi gặp một hàng bán bánh cống khá đông khách. Sẵn bụng đang “réo gọi”, tôi tấp vào quán mà không cần chần chừ.
Đĩa bánh cống được dọn ra, tôi ngây ngất trong cái mùi thơm ngào ngạt của chúng. Cắn một miếng, không cần hỏi người bán, tôi đã cảm nhận được trọn vẹn vị thịt heo băm được trộn với hành tím thơm nồng. Chính mùi củ hành trong nhân bánh hòa quyện với rau sống ăn kèm mới tuyệt vời làm sao.
Pizza hủ tiếu – chợ Cái Răng
Đến Cần Thơ mà không thăm chợ Cái Răng thì… lạ đời quá. Thế là tôi đi và nhờ vậy mới biết được món pizza hủ tiếu độc lạ vô cùng. Những người bán hàng ở đây luôn liến thoắng cười cười nói nói với du khách trong khi tay vẫn thoăn thoắt bán hàng.
Bánh hủ tiếu tuy lạ nhưng vẫn dễ ăn, thậm chí khá ngon, giòn rộm như cơm cháy ở Sài Gòn vậy đó. Đặc biệt là khi chiên lên không dậy mùi dầu nên món này ít ngán. Thích hơn nữa là tôi còn được vào xưởng xem tận mắt và tự tay làm sợi hủ tiếu nữa.
Cách chế biến hủ tiếu chiên giòn khá đơn giản, chỉ cần cho hủ tiếu đã ướp chút bột nêm và ít tiêu vào chảo dầu thành một bánh, chiên cho chín, chờ bánh vàng ươm là vớt ra. Xong rưới thêm hành lá và tương ớt lên bánh là có một món ăn nhớ đời với vị mằn mặn, ngọt ngọt, cay cay, béo béo không chê vào đâu được.
Cá lóc nướng trui – bến Ninh Kiều
Một món nữa làm tôi ngây ngất là cá lóc nướng trui ở bến Ninh Kiều. Chẳng hiểu sao món cá nướng đơn giản, dân dã này lại có sức quyến rũ thần kì đến như vậy. Câu trả lời chắc chỉ có được một khi bạn đích thân nếm thử đi nhé, vì tôi nghĩ rằng diễn tả bằng từ nào trong trường hợp này cũng bằng thừa mà thôi.
Cá nướng xong chỉ cần gỡ thịt chấm muối ớt, mà phải là loại muối hột mới cảm nhận được hết mùi vị thơm ngon vừa cay vừa mặn vừa ngọt vừa thơm của món cá lóc nướng đặc sản ở đây. Thịt cá nóng, ngọt tự nhiên như tan trên đầu lưỡi, ăn với rau sống trong cái gió mát lạnh ở bến Ninh Kiều thì thật “đã”!
Bánh xèo – Tân Định
Nghe nói bánh xèo miền Tây ngon lắm, vậy tội gì mình đang đứng ở đất này luôn mà lại không thử. Đến ngay đường Tân Định – con đường có quán bánh xèo ngon nức tiếng Cần Thơ – tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi cái món trứ danh này.
Có một điều mà không phải ai cũng biết khi thưởng thức bánh xèo miền Tây, đó là thay vì sử dụng đũa gắp bánh cho vào tô thì hãy cho bánh vào lá rau, cuộn thật gọn và cứ thế mà cầm ăn. Bột bánh xèo thơm nhẹ, tôm thịt ngọt tự nhiên cùng vị giòn của rau, giá đỗ mà chấm vào nước mắm chua ngọt thì ngon thôi rồi.
Lẩu cá kèo – bến Ninh Kiều
Lẩu cá kèo là một món đặc sản của miền Tây sông nước rất được lòng người Sài Gòn. Cứ độ trời hơi lành lạnh hay sau vài trận mưa bất chợt là bạn tôi lại rủ rê đi ăn lẩu cá kèo. Lần đó, tôi xuống Cần Thơ cũng gặp một cơn mưa chiều, và thế là bỗng dưng thèm… lẩu cá kèo.
Nước lẩu cá kèo ở Cần Thơ có vị thanh thanh như món canh chua, đôi lúc hơi ngọt theo khẩu vị của người miền Tây. Cá kèo được thả nguyên con vào nước lẩu nóng nhưng không hề tanh mà trái lại còn mang vị ngọt và đắng đặc trưng của mật cá. Ăn kèm với các loại rau như rau nhút, bắp chuối bào sợi và đặc biệt không thể thiếu lá giang – một loại lá có vị chua, mọc nhiều ở miền Trung và miền Nam- tôi tự ngẫm, trải nghiệm đất Cần Thơ chưa bao giờ rõ rệt và gần gũi như này.
Bún mắm – Lý Tự Trọng
Với nhiều người, bún mắm là một món khó ăn vì mùi quá nồng. Nhưng tôi lại là một tín đồ của các loại mắm nên đã lặn lội, hỏi nhiều người thử xem chỗ nào ăn bún mắm ngon nhất. May mắn, tôi được một chị bán hàng ở chợ Cái Răng chỉ cho quán bún mắm ở đường Lý Tự Trọng.
Là sản phẩm của sự giao thoa văn hoá ẩm thực giữa người Khmer bản địa, người miền Trung và miền Nam khẩn hoang, bún mắm miền Tây có nguyên liệu là đặc sản của 3 vùng đất này: cá, tôm, mực, cua của biển miền Trung, thịt bò, heo và các loại rau đa dạng từ miền Tây và Campuchia. Nước lèo mắm chưng chính là công thức “thần kì” tạo nên sức hấp dẫn khó chối từ của bún mắm miền Tây.
Ốc nướng tiêu – Trần Văn Khéo
Lại một buổi tối lân la trò chuyện với các cô bác xung quanh khách sạn, tôi vô tình biết được là mình cần phải thưởng thức thêm món ốc nướng tiêu nữa mới đúng điệu ẩm thực Cần Thơ. Được chỉ đến đường Trần Văn Khéo, tôi “hồi hộp” thưởng thức món ốc có cái tên nghe thôi đã thấy hấp dẫn này.
Có nhiều cách chế biến ốc nướng tiêu, nhưng nguyên liệu chính vẫn là ốc mít. Sau khi luộc ốc sơ qua, cho lên than hồng nướng, vừa nướng vừa rưới nước mắm pha tiêu tỏi lên miệng ốc cho ngấm. Ốc nướng tiêu có vị đậm đà của nước mắm, vị béo của ốc mít được bắt ở các kênh rạch. Ốc nóng hổi, thơm lừng mà cho ngay vào miệng để cảm nhận vị ngọt ngọt, béo béo thì không gì tuyệt hơn.
Lẩu mắm – đường 3/2
Đã thưởng thức bún mắm thì nhất định không thể quên lẩu mắm! Món này khiến tôi nhớ mãi nhờ vào nước lẩu đặc trưng mà đơn giản: nước lèo mắm chưng, thường là mắm cá sặc, mắm lóc, mắm linh, mắm phèn.
Vì là món ăn giao thoa giữa 3 miền văn hóa có tính chất địa lí khác nhau nên nồi lẩu rất “đông vui” với đủ thứ nguyên liệu từ biển cả, ao hồ, ruộng đồng sông ngòi như cá, tôm, cua, mực, thịt bò, heo và đặc biệt các nhiều loại rau rất đa dạng.
Lẩu ba ba – chân cầu Hưng Lợi
Đây rồi, món “đinh” đây rồi. Với những ai yếu tim hoặc không quen ăn thịt động vật lạ chắc chắn sẽ rất khó chịu với hình ảnh chú ba ba chặt thành 6 khúc xếp gọn gàng trên chiếc đĩa. Nhưng nếu bỏ qua yếu tố đó thì lẩu ba ba là một món rất đáng để thưởng thức.
Nước lẩu đã ngon, ngọt, cực chất lại còn sôi sùng sục, váng mỡ, hành tươi, hành phi cứ đua nhau xoay tít trong nồi rất thích. Thịt ba ba chẳng cần bàn cãi nhiều về độ ngon, mềm, chất, nên nếu đi nhóm đông thì một con ba ba chắc chắn hết veo. Ăn kèm với các loại rau, vị nước lẩu chua chua ngọt ngọt và thịt ba ba có vị là lạ cứ làm tôi nhớ mãi về Cần Thơ – cái xứ dễ thương, nấu gì cũng ngon.
Nguồn: Theo Yan.vn
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét