3 LOẠI BÁNH TRÔI ĐANG ĐƯỢC GIỚI TRẺ SÀI GÒN “SĂN LÙNG”
Những ngày đầu đông, người Hà Nội đang “sôi sùng sục” trước món bánh trôi tàu nổi tiếng. Thú vị thay, loại bánh này thực chất cũng đã có mặt từ rất lâu tại Sài Gòn và một vài địa phương khác.
Bánh trôi không phải là món ăn xa lạ với người Việt. Trong tín ngưỡng tâm linh của người Việt Nam, bánh trôi chứa đựng nhiều thông điệp và ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vào những ngày lễ, khi nhớ về nguồn cội, người Việt vẫn thường có tục lệ dâng bánh trôi lên ông bà, tổ tiên để thể hiện tấm lòng thành kính. Không chỉ vậy, hình ảnh viên bánh tròn được làm từ bột gạo nếp còn là kí ức đẹp của tuổi thơ mỗi buổi chợ về của bà, của mẹ. Tuy nhiên, bánh trôi nước ngày nay thực chất là một sự sáng tạo của người Việt dựa trên một loại bánh trôi khác.
Ít ai biết rằng, sự ra đời của bánh trôi gắn với một điển tích xưa của người Trung Quốc vào mỗi dịp tết Hàn thực và cũng đồng thời là món bánh có nguồn gốc xa xưa từ người Trung Hoa. Đến nay, khu người Hoa sinh sống vẫn rất nổi tiếng với món bánh trôi tàu cùng hai loại bánh khác, đó là lục tàu xá và chí mà phù. Nhân những ngày người Sài Gòn đang ráo riết “săn lùng” món ăn này, bạn có muốn cùng tôi khám phá và trải nghiệm 3 món chè nổi tiếng của người Hoa trên đất Việt?
Chí mà phù – món chè lạ có nguồn gốc từ người Hoa
Bánh trôi tàu
Bánh trôi tàu có lớp vỏ cũng được làm từ bột nếp. Nước đường ấm nóng và có thêm vài lát gừng thái chỉ cay the. Khi ăn sẽ rắc thêm một ít mè đen rang và đậu phộng, chan cùng một ít nước cốt dừa. Điều thú vị nằm ở phần nhân, viên bánh tròn là nhân đậu xanh, trong khi đó, viên bánh hình bầu dục thường sử dụng nguyên liệu làm nhân từ vừng mè đen.
Cắn một miếng bánh trôi tàu, điều đầu tiên cảm nhận được là bánh có lớp vỏ thật mềm, dẻo và mịn chứ không cứng hoặc không nhũn. Sâu hơn vào phần nhân là vị ngọt của mè hoặc đậu xanh, giòn giòn của đậu phộng và dừa tươi nạo. Phần nước đường sóng sánh, không đặc cũng không quá loãng, rưới lên viên bánh vẫn còn bám lại trên mặt bánh một lớp vàng mật ong đẹp mắt, thoảng mùi gừng the the.
Người ta thường nói bánh trôi không phải là thức ăn để no, mà ăn để cảm nhận, vì vậy nên một chén chè thường chỉ có 2 viên. Cảm nhận cái mềm của bột, cái bùi của đậu, ngọt ngọt của mè, của nước đường, đôi khi thêm chút béo của nước cốt dừa. Mà cái lạ ở chỗ, càng những quán chè lâu đời, thậm chí có những nơi bán chỉ là đôi gánh hàng rong, xe chè đẩy nhỏ, vậy mà lại ngon không phải nơi đâu cũng tìm thấy được.
Bánh trôi tàu đúng kiểu thường chỉ có 2 viên, một viên tròn và một viên hình bầu dục
Lục tàu xá
Lục tàu xá hay còn gọi vắn tắt là tàu xá, được phiên âm theo tiếng của người Quảng Đông. Lục tàu xá hiểu đơn giản là món chè đậu xanh được xay nhuyễn. Cái thú và cũng là cái lạ của món chè này nằm ở chỗ, làm nên chè có nguyên liệu chính là đậu xanh, nhưng điểm nhấn nhá làm nên ấn tượng khó quên lại là trần bì, chính là vỏ quýt.
Đậu xanh ban đầu được chọn lựa kĩ càng để lấy được những hạt đậu to, bóng, mẩy nhất, đem đãi vỏ rồi nấu cho chín nhừ. Bột báng được luộc sơ, sau đó nấu chung với đậu xanh và đường phèn cho đến khi chè đặc, sánh vàng. Trần bì rửa thật sạch bằng nước sôi, thái chỉ nhỏ. Khi chè đã chín nhừ sẽ cho vào cùng. Cách nấu lục xá tàu chỉ đơn giản có vậy, thế nhưng cũng chẳng dễ dàng để nấu được một nồi chè ngon khiến người ăn phải xuýt xoa. Trên nền vàng ươm đẹp mắt của đậu xanh, màu trắng của bột báng hòa với màu cam nâu của trần bì trông thật thích mắt. Phải khéo lắm, người nấu mới hòa quyện được các nguyên liệu này lại với nhau, nhất là vỏ quýt mà khiến chè vẫn giữ được vị ngọt thanh, hương thơm khoan khoái chứ không đắng hay chát.
Đậu xanh ban đầu được chọn lựa kĩ càng để lấy được những hạt đậu to, bóng, mẩy nhất, đem đãi vỏ rồi nấu cho chín nhừ. Bột báng được luộc sơ, sau đó nấu chung với đậu xanh và đường phèn cho đến khi chè đặc, sánh vàng. Trần bì rửa thật sạch bằng nước sôi, thái chỉ nhỏ. Khi chè đã chín nhừ sẽ cho vào cùng. Cách nấu lục xá tàu chỉ đơn giản có vậy, thế nhưng cũng chẳng dễ dàng để nấu được một nồi chè ngon khiến người ăn phải xuýt xoa. Trên nền vàng ươm đẹp mắt của đậu xanh, màu trắng của bột báng hòa với màu cam nâu của trần bì trông thật thích mắt. Phải khéo lắm, người nấu mới hòa quyện được các nguyên liệu này lại với nhau, nhất là vỏ quýt mà khiến chè vẫn giữ được vị ngọt thanh, hương thơm khoan khoái chứ không đắng hay chát.
Đậu xanh nghiền và vỏ quýt là “linh hồn” của
Lục tàu xá không chỉ được bán ở Sài Gòn hay Hà Nội mà còn vô cùng nổi tiếng trên những con phố nhỏ tại Hội An. Cũng như người Hà Nội, khách du lịch đến Hội An lấy cái thú ngồi ở một quán chè nhỏ, trên những bộ bàn ghế gỗ nhỏ, cầm trên tay chén chè lục tàu xá nhỏ, vừa thưởng thức vị ngọt thanh của chè, vừa ngắm phố xá cổ kính là một trải nghiệm không nên bỏ qua khi đến với nơi đây.
Chí mà phù
Chí mà phù không lấy lòng thực khách ở vẻ bề ngoài, bởi chỉ nhìn qua chén chè sánh đặc màu đen, ít ai nghĩ rằng mình sẽ thích, sẽ mê. Vậy mà ăn thử một miếng, đến miếng thứ hai, thứ ba sẽ cảm thấy ngay sự khác biệt. Cứ như thế, người ta thích chí mà phù bằng chính hương vị thơm phức, ngọt dịu giản dị nhưng cũng thật cuốn hút.
Chí mà phù thuở xưa cũng theo chân Hoa kiều vào nước ta và còn được người Hoa lưu giữ đến tận ngày nay. Chí mà nghĩa là mè đen; phù nguyên gốc phải đọc là hủ, nghĩa là nghiền nát hay xay nhuyễn. Chí mà phù hiểu đơn giản là món chè được làm từ mè đen xay nhuyễn, có vị ngọt và tính mát. Chí mà phù đúng kiểu của người Hoa phải làm mè đen xay thành bột thật mịn; rau má giã lấy nước, nấu sôi lên. Khi nước sôi sẽ cho mè xay, bột khoai, đường và đặc biệt là thanh địa (một loại nguyên liệu trong Đông Y) cho đến lúc tạo thành một nồi chè sệt, quánh nhưng không quá đặc, có màu đen bóng và ăn lúc còn nóng hoặc âm ấm.
Ngày nay, chí mà phù có thay đổi ít nhiều cho phù hợp hơn với khẩu vị người Việt. Mè đen cũng được xay nhuyễn mịn, tuy nhiên lại nấu cùng với sữa tươi, một ít gạo bột nếp và một ít sắn dây. Vì thế, chè không còn vị đắng hăng hắc của rau má và thanh địa nữa. Thay vào đó là mùi thơm, hơi béo của sữa tươi và cảm giác sần sật, dẻo do bột sắn dây và bột nếp tạo thành khi thưởng thức.
Thật khó để diễn tả được cảm giác nao lòng,
xao xuyến mỗi khi bắt gặp một gánh chè lâu năm trên con phố nhỏ
Thật khó để diễn tả hết cảm giác lạ lẫm, sau đó là thích thú khi dùng một chén chè mè đen chí mà phù. Một muỗng chè sánh khi ăn không trôi tuột mà còn đọng lại chút gì đó ở cổ họng, ngọt ngọt, thanh thanh, và thơm dịu nhẹ. So với bánh trôi tàu hay lục tàu xá, ngày nay muốn tìm được một nơi bán chí mà phù ngon quả thực không dễ. Chỉ khi đến với khu người Hoa ở Sài Gòn, tìm những cụ già gánh chè tàu trên những con phố cổ hay những tiệm chè có tiếng, người ta mới thực sự được thưởng thức gần như trọn vẹn và thỏa mãn hương vị đặc trưng của món chè này.
Mùa này, trời bắt đầu trở lạnh. Những cơn gió đông khẽ len lỏi vào từng con phố, từng ô cửa nhỏ. Mùa này, người ta bỗng nhớ, bỗng thèm đến lạ những món ăn dân dã có mùi của kỉ niệm, những món ăn ấm nóng mà bánh trôi tàu, lục tàu xá hay chí mà phù là ba trong số đó. Ngồi bên đường, cảm nhận từng luồng gió nhẹ, choàng chiếc khăn ấm, ngồi bên bạn bè hoặc người thân vừa ngắm phố xá, nghe một bản nhạc hay, vừa nhâm nhi chén chè nóng hổi, mới thấy một món ăn đôi khi không hẳn chỉ để ăn, mà còn là để cảm nhận.
Mùa này, trời bắt đầu trở lạnh. Những cơn gió đông khẽ len lỏi vào từng con phố, từng ô cửa nhỏ. Mùa này, người ta bỗng nhớ, bỗng thèm đến lạ những món ăn dân dã có mùi của kỉ niệm, những món ăn ấm nóng mà bánh trôi tàu, lục tàu xá hay chí mà phù là ba trong số đó. Ngồi bên đường, cảm nhận từng luồng gió nhẹ, choàng chiếc khăn ấm, ngồi bên bạn bè hoặc người thân vừa ngắm phố xá, nghe một bản nhạc hay, vừa nhâm nhi chén chè nóng hổi, mới thấy một món ăn đôi khi không hẳn chỉ để ăn, mà còn là để cảm nhận.
Không có nhận xét nào
Đăng nhận xét